vunguyenmailinhdocx-1641545320072-1641613501.jpeg
Nữ sinh xứ Nghệ Vũ Nguyễn Mai Linh (sinh năm 2003) đã giành học bổng trị giá 5,3 tỷ của Đại học Gettysburg (Mỹ), ngành Toán Kinh tế.

Những thành tích của Vũ Nguyễn Mai Linh:

- Học bổng 5,3 tỷ của đại học Gettysburg College (Mỹ)

- Đỗ khoa Toán - Tin, đại học Bách khoa Hà Nội

- Giành được Học bổng Nguyễn Siêu

- Giải Nhì môn Vật lý cuộc thi Học sinh giỏi Cấp cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy

- Đại diện trường trình bày hùng biện về "Sử dụng cốc giấy để bảo vệ môi trường"

- Giành giải Nhì tại Hội thi "Thanh niên tài năng - thanh lịch" tại Ngày hội Festival Thiếu nhi 2019

- Là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường

- Bằng khen của BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố Hà Nội

- Thành lập CLB Aequitas - CLB đấu tranh cho quyền bình đẳng

- Tổ chức hoạt động "Góp tết" - hoạt động trao quà cho các người bệnh tại Bệnh viện E (Hà Nội) vào Tết Canh tý

- Thực tập tại Diễn đàn Giáo dục (EduNet) thuộc AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu) với vai trò trợ lý nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của GS.TS Hồng Bùi và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Trần Xuân Bách

- Tham gia vào dự án "Art Therapy" (trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật), là top 12 đội thi (vào vòng chung kết) của Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp ĐMST 2021 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với VCIC-Bộ KH&CN

- Tham gia dự án "Ứng dụng của máy quang phổ cận hồng ngoại chức năng (Functional near-infrared spectroscopy - fNIRS) cầm tay trong chẩn đoán rối loạn tâm thần ở Việt Nam" với tư cách điều tra viên - đây cũng là dự án em đã tham gia từ năm 2020 khi còn là học sinh lớp 11

- Thành viên BTC của Lễ trao giải Cuộc thi ĐMST Hack4Growth được thực hiện bởi AVSE Global -Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao

- Thành viên của Tổ thư ký Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu IV

- Bài luận về nữ quyền bắt đầu bằng thơ Nguyễn Du

Hành trình chuẩn bị và nộp hồ sơ học chuẩn của Mai Linh kéo dài chỉ trong tầm hơn 2 tháng thay vì 6 tháng hay một năm như các bạn học sinh khác.

"Đến tận cuối tháng 9 của năm học lớp 12, em vẫn phân vân về chuyện có đi du học hay không, vì em rất muốn và khao khát được du học Mỹ nhưng em khá áp lực về chuyện học bổng. Tuy nhiên, lúc đó bố mẹ em đã nói sẽ hỗ trợ một cơ hội để apply du học để sau này em không tiếc nuối. Vì vậy, từ tháng 10/2020, em bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ. Bản thân em nhận thức được lúc đó là quá muộn và đây cũng là cơ hội duy nhất em có nên không có sự lựa chọn nào khác ngoài cố gắng và 'cày ngày cày đêm'", Mai Linh nhớ lại.

Trong thời gian đó, nữ sinh duy trì lịch học, sinh hoạt khá khắc nghiệt: đi học cả ngày ở trường, chiều tối đi học thêm, tối và đêm ngồi viết luận, rạng sáng ôn bài và sáng đến trường thi học kỳ. Tuy vậy, thành quả mà cô nhận được là lá thư nhập học và học bổng 5,3 tỉ từ Gettysburg College (#54 LACs) vào giữa tháng 12.

vunguyenmailinhdocx-1641545320255-1641613556.jpeg
Dù "năm Covid thứ nhất" đối với nhiều người rất đáng quên, nhưng đó là năm ước mơ tuổi 17 của Mai Linh đã trở thành hiện thực - ước mơ giành học bổng và du học Mỹ.

Cũng giống các bạn học sinh khác, khi đó, Mai Linh không khỏi vui mừng, hạnh phúc nhưng hơn hết là cảm giác biết ơn. Biết ơn vì may mắn nhận được học bổng từ trường mình yêu thích. Biết ơn vì có mọi người bên cạnh giúp đỡ. Biết ơn vì cảm nhận được sự trưởng thành của bản thân trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và viết bài luận cá nhân.

Khi được hỏi về bài luận, nữ sinh gốc Nghệ An cho biết, cô lựa chọn đề tài "nữ quyền - quyền nữ" và bắt đầu bằng một câu thơ trong Truyện Kiều: "Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung", xuất phát từ những quan sát thực tế trong gia đình mình. Những tình cảm dành cho mẹ, chị gái, cũng như khao khát thay đổi định kiến cổ hủ về phái nữ được Mai Linh thể hiện trong bài luận đã phần nào giúp cô chinh phục hội đồng tuyển sinh.

"Em vẫn nhớ vào bữa cơm cuối năm 2020 mọi thành viên trong nhà em đều nói chỉ muốn năm 2020 là một giấc mơ, tỉnh dậy bắt đầu lại năm 2020 vì đó là năm đầu tiên Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và mọi hoạt động đều bị đình trệ. Nhưng riêng em lại không muốn 2020 là một giấc mơ vì năm đó ước mơ tuổi 17 của em đã trở thành hiện thực; đó là giành học bổng và du học Mỹ", nữ sinh bộc bạch.

Dù thành công chinh phục "giấc mơ Mỹ", Mai Linh vẫn quyết định hoãn lại và nhập học ĐH Bách khoa, khoa Toán - Tin trong một kì học để chuẩn bị tâm thế vững vàng hơn cho bản thân. "Việc du học như biển quá lớn, còn em quá bé và chưa rõ mình sẽ làm gì để thích ứng, chưa có bất kì mường tượng nào về cuộc sống tiếp theo. Khi đó, sự "ngập" lấn át luôn cả cảm giác háo hức, mong chờ mà lẽ ra một cô bé luôn khao khát được du học và đặt chân đến Mỹ nên có. Vì thế, em quyết định hoãn lại một học kỳ", Linh cho biết.

Tuổi trẻ với những pha "cua gấp" bất ngờ

Mai Linh vốn sinh ra và lớn lên cùng gia đình ở thành phố Vinh, Nghệ An. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, mặc dù đã thi đỗ vào lớp Chuyên Anh - Nhật của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nữ sinh vẫn quyết định xin bố mẹ ra Hà Nội để học cấp 3 tại trường THCS-THPT Nguyễn Siêu. Ở thời điểm lúc đó, rất nhiều người hỏi cô "Sao lại từ bỏ cơ hội được học trường chuyên lớp chọn? Phí quá!".

"Thành thật mà nói, những thắc mắc và những cái lắc đầu "Phí quá" ấy đã trở thành động lực để em cố gắng, nỗ lực hết mình trong 3 năm học cấp 3 để chứng minh sự lựa chọn của em là chính xác. Lúc đó, em phải tự lập một mình ở Hà Nội. Nhiều lúc cũng rất nhớ nhà, thèm cơm mẹ nấu. Khi ôn thi THPTQG là giai đoạn quan trọng của chặng đường học sinh, vì dịch Covid-19 nên bố mẹ không thể ra Hà Nội để cùng em, nhiều lúc nhìn các bạn đăng story (Facebook, Instagram) khen được bố mẹ nấu đồ ăn đêm cho mà em hơi chạnh lòng một chút, lúc đó em chợt nhận ra hơn 5 tháng em chưa được gặp bố mẹ", Mai Linh bộc bạch.

vunguyenmailinhdocx-1641545320439-1641613585.jpeg
Xa nhà từ khi 16 tuổi, học THPT tại một thành phố lớn, nên nữ sinh 2003 trở nên mạnh mẽ, nghị lực và tự lập hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Việc Mai Linh lựa chọn học khoa Toán-Tin có thể nói là khá bất ngờ đối với gia đình, bạn bè, bởi nữ sinh vốn có nền tảng tốt ở các môn xã hội, đã theo học tiếng Anh và tiếng Pháp, và từng khá chật vật với môn Toán. Tuy vậy, khi lên cấp 3, Linh dần trở nên yêu thích Toán và sự logic trong các môn Tự nhiên và còn giải Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp cụm môn Vật lý.

Ngoài học và tham gia các hoạt động ở trường, Mai Linh cũng dành thời gian tham gia nhiều dự án, hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường. Thông qua các hoạt động ngoại khóa và thực tập tại các tổ chức, đơn vị lớn như vậy, nữ sinh được cọ sát và học tập rất nhiều. Bên cạnh các kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, cô rút ra 3 bài học lớn cho bản thân: trách nhiệm, kĩ năng quản lý thời gian và đặc biệt, phải chủ động.

Nữ sinh tâm sự: "Em nhận ra rằng nhận việc đồng nghĩa phải có trách nhiệm hoàn thành và có trách nhiệm với deadline. Trước đây, em thường hay nghĩ mình rất bận vì có nhiều đầu việc phải làm nhưng thật ra khi biết sắp xếp, quản lý thời gian thì vẫn có thể hoàn thành được hết những công việc đó. Ngoài ra, em nghĩ chủ động là một điều rất quan trọng, chủ động hỏi, chủ động học, chủ động kết nối, làm quen để xây dựng mạng lưới,…"

vunguyenmailinhdocx-1641545320706-1641613615.jpeg
Quá trình học tập xa nhà, trải nghiệm các dự án, hoạt động ngoại khóa, Mai Linh rút ra 3 bài học lớn cho bản thân: trách nhiệm, kỹ năng quản lý thời gian và chủ động.

Hiện nay, Mai Linh đang bắt đầu học thêm tiếng Trung. Bên cạnh đó, cô cố gắng giữ thói quen vào 18h mỗi ngày sẽ đi bộ cùng mẹ, tâm sự với bố mẹ, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn trước khi lên đường du học. Nữ sinh mong muốn có thể thích ứng được với cuộc sống mới ở Mỹ và có thể hoàn thành tốt chương trình đại học, đồng thời có thể tìm kiếm cơ hội tham gia các hoạt động hoặc chương trình thực tập phù hợp với bản thân.

Cô tự nhận mình là một người tham vọng và cầu toàn, thường muốn mọi thứ hoàn hảo, tốt nhất có thể dù điều này thường khiến em ôm đồm công việc về phía mình. Khi đã cố gắng hết sức, nếu kết quả không được như mong muốn thì cũng không có điều gì tiếc nuối để nói "giá như" rồi cảm thấy hối hận./.