Trước những diễn biến phức tạp của tội công nghệ cao trong đại dịch Covid-19, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trước các thủ đoạn lừa đảo...

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân ít ra khỏi nhà, thường tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh, tài chính, mua bán hàng trên mạng online. Đây cũng là dịp để các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng nhiều thủ đoạn tinh vi lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản người dùng qua không gian mạng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, một trong những thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao thường sử dụng trong giai đoạn giãn cách hiện nay là giả mạo thông tin của tổ chức y tế, như: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC)... gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến nội dung về cập nhật tình hình COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thẻ tín dụng.

Do tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 nhiều người tìm cách phòng ngừa và chữa trị, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến để quảng bá sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân.

Chị Lê Thu Hương, một người dân ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh từng bị mắc Covid - 19 cho biết, trong quá trình điều trị tại nhà, chị đã tìm trên mạng xã hội để mua thuốc điều trị, mất tiền nhưng không hề thuyên giảm, bởi đây chỉ là thuốc trị cảm bình thường.

Nhiều thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo qua mạng
Mới đây Công an thành phố Hà Nội đã phá chuyên án bắt nhóm đối tượng có hành vi xây dựng, quản trị điều hành sàn giao dịch vàng ảo, ngoại tệ trái phép Rforex.com

Một chiêu thức nữa cũng thường được các đối tượng lợi dụng là sử dụng Zalo, Viber ... gọi điện giả danh cơ quan thực thi pháp luật, sử dụng công nghệ ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại của cơ quan chức năng, thông báo liên quan đến vụ án nghiêm trọng ma túy, rửa tiền, phạt nguội về vi phạm giao thông... Sau đó, yêu cầu người bị hại tải và cài đặt ứng dụng giả danh “ Bộ Công an”, yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng, hay yêu cầu chuyển tiền vào một ngân hàng do đối tượng cung cấp để lừa đảo.

Anh Nguyễn Trần Đức, ở Ba Đình, Hà Nội cho biết đã nhận được những cuộc điện thoại kiểu này và bày tỏ lo ngại khi những hành vi này vẫn tiếp diễn, gây lo lắng cho người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Theo Nghị định 100 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông thì phải được CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện vi phạm để giải quyết. Vì vậy, không có chuyện cơ quan chức năng gọi điện đến người sử dụng phương tiện liên quan đến những vi phạm giao thông.

Tranh thủ tâm lý giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tội phạm công nghệ cao còn dụ dỗ quyên góp cho các quỹ từ thiện, quỹ vaccine giả mạo nhận giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, sau đó chiếm đoạt. Ngay cả Website chương trình “Giọng hát Việt nhí” cũng bị đối tượng giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân của người tham gia.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, các bẫy lừa đảo điển hình là sử dụng chiêu trò hứa hẹn sẽ nhận được lợi nhuận cao khi tham gia vào việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19.

Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch, hứa hẹn trả lãi suất rất cao, cam kết không có rủi ro, hoặc rủi ro thấp, hoàn vốn nhanh theo tỉ lệ cố định.

Cùng với lực lượng chức năng trên cả nước, mới đây Công an thành phố Hà Nội đã phá chuyên án bắt nhóm đối tượng có hành vi xây dựng, quản trị điều hành sàn giao dịch vàng ảo, ngoại tệ trái phép Rforex.com, dưới vỏ bọc một công ty tại Anh, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, cho biết trong 3 tháng qua, đơn vị đã phá 10 vụ án hình sự, bắt giữ 25 đối tượng, phạt hành chính 29 đối tượng và đề nghị xử phạt 9 đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh đăng tải nội dung giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Theo đó, các tổ chức cá nhân tổ chức lôi kéo người dân vào đầu tư sàn Rforex là vi phạm pháp luật, người dân đưa tiền đầu tư sẽ rủi ro. Công an Hà Nội cảnh báo người dân nếu tham gia tiếp tay cho sàn giao dịch này là vi phạm và có thể bị xử lý trước pháp luật.

Trước những diễn biến phức tạp của tội công nghệ cao trong đại dịch Covid-19, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trước các thủ đoạn của loại tội phạm này để tự bảo vệ mình. Nếu nghi ngờ lừa đảo hãy phối hợp với cơ quan chức năng, gửi đường link đến địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn./.