1-1637306995.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Dụng và vợ trước khi đi B năm 1965. Ảnh Gia đình cung cấp

Xuất thân trong gia đình truyền thống khoa bảng và yêu nước 

Nguyễn Hữu Dụng sinh năm 1917 trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Trung Cần, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Nguyễn Hữu Thành (1880-1920), một nhà nho thông minh, chính trực, thi Hương đậu Tam trường, về nhà dạy học và bốc thuốc Bắc.

Nguyễn Hữu Dụng là cháu nội của Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập và là chắt nội của Song nguyên Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Mẹ ông là bà Hồ Thị Xuân (1888-1962), con gái của Tú tài Hồ Sỹ Trác, cháu nội của Cử nhân Hồ Sỹ Khả, bà con thúc bá với các Cử nhân Hồ Sỹ Tạo, Hồ Sỹ Tuân, Hồ Sỹ Hạo, là những thầy giáo nổi tiếng ở Thanh Chương, có nhiều học trò đỗ đạt

Lúc nhỏ, Nguyễn Hữu Dụng học chữ Hán với các thầy đồ trong làng, trong tổng. Lớn lên, ông được gia đình cho đi học Trường Tiểu học Pháp - Việt huyện Nam Đàn. Vốn bản tính thông minh, ham học, Nguyễn Hữu Dụng là một học sinh học giỏi nổi tiếng ở trường huyện. Tới năm 1936, ông được gia đình cho ra Hà Nội học Trường Trung học tư thục Thăng Long.

Ở đây, ông vừa học tập, vừa dạy tư để kiếm sống, lại được học tập, tiếp xúc với các thầy giáo Hoàng Minh Giám (Hiệu trưởng), Võ Nguyên Giáp (giáo viên dạy sử), được đồng chí Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) gần gũi, giác ngộ. Nguyễn Hữu Dụng được kết nạp vào nhóm Thanh niên cộng sản của tổ chức Thanh niên Dân chủ trong nhà trường.

Với vốn tiếng Pháp khá, có thể nói và viết thành thạo, Nguyễn Hữu Dụng được Phan Bôi giao nhiệm vụ quản lý Báo Notre voix, tờ báo tiếng Pháp phát hành công khai của Xứ ủy Bắc Kỳ. Vừa nhận bài, chép bài, biên tập bài từ các cơ sở bí mật chuyển về, vừa lo liệu in ấn, phát hành và xoay xở tiền để trả nhà in, để ra các số báo tiếp, Nguyễn Hữu Dụng đã trở thành một cán bộ Đoàn Thanh niên năng nổ hoạt động trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền.

2-1637307022.jpg
Giai đoạn đồng chí Nguyễn Hữu Dụng (hàng thứ 3, bìa trái) tham gia kháng chiến chống Pháp. Ảnh gia đình cung cấp

Tờ báo Notre voix cùng với các tờ báo khác của Đảng ta, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ trương của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939, và cũng từ đó Nguyễn Hữu Dụng bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Tháng 8 năm 1939, tình hình thế giới có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam, tờ báo bị đình chỉ, Nguyễn Hữu Dụng được bổ sung vào Ban Chấp hành Thanh niên Phản đế, có nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo các cơ sở thanh niên Phản đế ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ.

Từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Việt Bắc đến bưng biền Rừng Sác…

Từ năm 1943 đến năm 1945, để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, đồng chí được chuyển vào hoạt động tại thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tại đây, đồng chí tiếp tục được giao nhiệm vụ hoạt động báo chí bí mật cùng với đồng chí Lý Chính Thắng và một số cán bộ Đoàn thanh niên của thành phố. Tháng 6 năm 1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được Trung ương điều ra miền Bắc. Lúc đầu, đồng chí hoạt động ở ngoại ô Hà Nội, sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ, được điều lên chiến khu Việt Bắc làm Trưởng ban Tuyên huấn, Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Thanh vận của Trung ương Đảng, kiêm Tổng Biên tập tờ Báo Trung ương Đoàn. Suốt trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi ở chiến khu Việt Bắc, khi được cử về các địa phương, lăn lộn hoạt động ở các tỉnh, thành, đồng chí đã cùng Trung ương Đoàn vừa tổ chức, động viên thế hệ trẻ tham gia kháng chiến, vừa tham mưu cho Trung ương Đảng xây dựng đường lối thanh vận của Đảng.

Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, vùng giải phóng Việt Bắc phát triển, yêu cầu phải xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng được Trung ương điều sang làm Giám đốc Nha giáo dục Việt Bắc, về sau là Khu tự trị Việt Bắc. Gần 10 năm từ 1951 đến 1959, bám dân, bám đất xây dựng sự nghiệp giáo dục ở vùng Liên khu Việt Bắc rộng lớn, đồng chí có nhiều đóng góp trong việc tổ chức thực hiện đường lối giáo dục của Đảng và Chính phủ.

3-1637307052.jpg
Chân dung đồng chí Nguyễn Hữu Dụng. Ảnh gia đình cung cấp

Từ năm 1959 đến năm 1964, đồng chí được điều về Hà Nội và được phân công làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông 1 - 2 - 3, rồi Vụ trưởng Vụ Giáo dục cấp 3, đồng thời tham gia Tiểu ban Giáo dục phổ thông. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng chương trình sách giáo khoa, chỉ đạo xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền Bắc, đặc biệt là xây dựng, tổng kết, nhân rộng mô hình trường Bắc Lý.

Nhiều cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục vẫn còn nhớ mãi dấu ấn của Nguyễn Hữu Dụng, không chỉ ở tác phong sâu sát, gần gũi mà ở khả năng phát hiện, tổng kết, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối giáo dục của Đảng và Chính phủ.

Năm 1964, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng được điều vào miền Nam. Bấy giờ, đồng chí đã ở tuổi 48, lại có tiểu sử bệnh phổi, nhưng đồng chí đã xung phong cùng một số cán bộ giáo dục miền Bắc vượt Trường Sơn vào tăng cường cho miền Nam.

Từ năm 1964 đến năm 1971, đồng chí được phân công làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Là người lãnh đạo cao nhất Tiểu ban Giáo dục Miền, vừa chỉ đạo và lãnh đạo xây dựng nền giáo dục cách mạng trong vùng giải phóng, trong cả vùng địch còn tạm chiếm; vừa làm nhiệm vụ tổng kết, tham mưu về đường lối giáo dục cho Trung ương Cục miền Nam.

Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục Miền (tên thường gọi là B3), xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục cách mạng miền Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều học viên các trường sư phạm, bổ túc, trường tiểu học, trung học trong vùng giải phóng trở thành những cán bộ chủ trì của các khu, các tỉnh.

Đầu năm 1971, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng được Trung ương Cục chỉ định đi chiến trường T4 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định). Trở về chiến trường xưa, nơi đồng chí đã từng hoạt động trong những năm tháng sục sôi của thời kỳ tiền khởi nghĩa 1943-1945, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Khu ủy, phân công làm Chánh Văn phòng Khu ủy kiêm Trưởng Ban Trí vận (vận động đội ngũ trí thức) của Khu ủy.

Được sống gần gũi đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, Mười Út), đồng chí đã đem tất cả sức lực, trí tuệ của mình cùng Khu ủy xây dựng cơ Sở, phong trào cách mạng trong nội đô Sài Gòn - Gia Định, là người chỉ đạo trực tiếp các cuộc đấu tranh của đội ngũ trí thức toàn thành phố, nhất là phong trào đấu tranh của giáo chức, học sinh, sinh viên, lo đảm bảo mọi mặt hoạt động cho cơ quan Khu ủy. Khi ở Củ Chi, khi ở Rừng Sác, khi ở bưng biền biên giới, ở đâu cũng có đồng chí Tư Đường Nguyễn Hữu Dụng).

Năm 1974, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều biến chuyển, Trung ương Cục lại điều đồng chí Nguyễn Hữu Dụng trở về Ban Tuyên huấn Trung ương cục, trực tiếp làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục, Bí thư Đảng đoàn Tiểu ban để chuẩn bị cho tình hình mới.

4-1637307090.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Dụng chụp ảnh cùng vợ và các con. Ảnh Gia đình cung cấp

Tháng 4 năm 1975, đồng chí được Trung , Cục cử làm Trưởng ban lãnh đạo (Đoàn 4) tiếp cho toàn ngành giáo dục miền Nam, trực tiếp làm Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn và mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ giáo chức chế độ cũ.

Cuối năm 1976, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cử làm thành viên đoàn đại biểu Trung ương đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4. Sau ngày thống nhất nước nhà, đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên Ban Cán sự Bộ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Trị trở vào.

Nhân cách lớn của một tri thức cách mạng

Đầu năm 1979, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng được cử làm Trưởng đoàn giáo dục giúp xây dựng Bộ Giáo dục Campuchia của Chính phủ nhân dân cách mạng Campuchia, đồng thời là thành viên của Đoàn chuyên gia kinh tế, văn hóa của nước ta bên cạnh Chính phủ Campuchia do Phó Thủ tướng Nguyễn Côn làm trưởng đoàn. Sau 2 năm giúp bạn xây dựng hệ thống giáo dục từ Trung ương đến cơ sở, đồng chí được điều ra Hà Nội làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục, tham gia Đảng đoàn Bộ Giáo dục cho đến lúc nghỉ hưu năm 1982.

Ngày 23 tháng 10 năm 2006 (tức ngày 2 tháng 9 năm Bính Tuất), đồng chí qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Suốt cuộc đời bền bỉ, kiên trung đi theo con đường của “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng đã trải qua 70 năm hoạt động cách mạng từ những năm 1936-1939 đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đồng chí là người sôi nổi, lúc nào cũng lạc quan, tin tưởng ở thế hệ tương lai của đất nước, gắn bó máu thịt với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, sự nghiệp vận động thanh niên trí thức và cao hơn cả là sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân ta. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Hữu Dụng là ở việc chỉ đạo phong trào, ở việc nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.

Đội ngũ trí thức hai miền Nam - Bắc, những ai đã từng cộng sự, được tiếp xúc với Nhà giáo Nguyễn Hữu Dụng đều tìm thấy ở ông khả năng tư duy sáng tạo của một bộ óc thông tuệ, ở nhân cách lớn của một tri thức cách mạng, vừa mang tính cách của một con người xứ Nghệ./.