le-hoi-lang-sen-2010-1634010515.jpg

Các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn thời kỳ đồ đá, cách đây hơn 6.000 năm về trước, được phát hiện ở Quỳnh Lưu vào năm 1930 đã chứng minh cho sự có mặt một bộ phận cư dân ven biển đến đây làm ăn, sinh sống, đặc biệt là làm đồ gốm. Giai đoạn hậu đồ đá mới, chúng ta lại phát hiện tiếp các di chỉ tại các hang Đồng Trương, hang Bò (Anh Sơn), hang Thẩm Hoi (Con Cuông), hang Lèn (Tân Kỳ)... là những nơi có nhiều dấu tích người Việt cổ sinh sống với nhiều hiện vật, như: Đồ đá, đồ đồng, đồ sành sứ, thủy tinh, thổ hoàng, mảnh tước. Đặc biệt, Nghệ An cũng là địa bàn có mật độ cư dân Đông Sơn sinh sống đông đúc với những di chỉ đậm nét của nền văn hóa Đông Sơn. Với 347 ngôi mộ cổ ở Làng Vạc phát hiện vào năm 1991 và nhiều trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở nơi đây chứng minh cho điều đó. Chiếc trống đầu tiên phát hiện vào năm 1959, ở Châu Cường (Quỳ Hợp) và Đông Hiếu (Nghĩa Đàn), 1960 phát hiện ở Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), năm 1971, 1972 phát hiện Bản Quệ, Tam Hợp (Quỳ Hợp), năm 1973, trong lần khai quật lần thứ nhất tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (Nghĩa Đàn) đã phát hiện 9 trống đồng. Sau đó, các năm 1979, 1981, 1985, 1999, 2001, 2002, 2004, 7/2008 trống đồng tiếp tục được phát hiện ở các địa phương nói trên và một số địa phương khác, như Xá Lượng (Tương Dương), Diễn Phú (Diễn Châu), núi Quyết (TP.Vinh)...  đưa tổng trống đồng Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An lên 41 chiếc, ở các huyện 9 chiếc (gồm Nghĩa Đàn - Thái Hòa, Qùy Hợp, Quỳ Châu, thành phố Vinh, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Nam Đàn,)...

Xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng từ xa xưa đã được coi là vùng địa linh nhân kiệt, được chọn nhiều lần đóng đô. Theo cổ tích Hùng Vương thì vùng Nghệ An và Hà Tĩnh vốn thuộc nước Việt Thường, kinh đô đóng nơi vùng chân núi Hồng Lĩnh. Thế kỷ thứ VII, vua Mai Hắc Đế chọn Vạn An (Nam Đàn) xây thành và phát động toàn dân tộc khởi nghĩa chống quân nhà Đường xâm lược giành thắng lợi. Năm 1409, vua Trần Trùng Quang chọn vùng Đức Thọ đóng đô. Năm 1788, vua Quang Trung chọn Phượng Hoàng Trung Đô (TP.Vinh ngày nay) để đóng đô.

Sử cũ chép lại rằng, thời Hồng Bàng (2879 - 258 tr.CN), nước ta gọi là Văn Lang và được chia thành 15 bộ. Vùng đất Nghệ An thời bấy giờ là một trong 15 bộ đó, có tên gọi là Hoài Hoan, vùng đất Hà Tĩnh gọi là bộ Cửu Đức. Đến thời Bắc thuộc vào năm 179 tr.CN, Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc rồi chia nước Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Hai quận Hoài Hoan và Cửu Đức đều thuộc quận Cửu Chân. Năm 111 tr.CN, nhà Tây Hán thay nhà Triệu cai trị nước Âu Lạc. Quận Cửu Chân lúc bấy giờ bao gồm từ Ninh Bình đến hết đất Hà Tĩnh ngày nay, được chia thành 7 huyện (theo Việt sử thông giám cương mục), gồm: Tư phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Đô Lung, Dư Phát, Võ Thiết, Võ Biên. Huyện Hàm Hoan bao gồm đất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay.

Đến đầu Công nguyên, nhà Tây Hán suy yếu và sụp đổ, nhà Đông Hán được thành lập, do Mã Viện cầm đầu tiến hành kiểm soát và đàn áp Lạc Việt, dẹp xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40, thế kỷ I), tăng cường quan, lính sang cai trị nhân dân Âu Lạc, trong đó có nhân dân huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân. Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, vào năm 269, nhà Đông Ngô âm mưu sáp nhập các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố thành một châu riêng, gọi là Giao Châu thuộc nhà Đông Ngô. Khi tiến đánh đến quận Cửu Chân vùng đất Hàm Hoan thì bị nhân dân Hàm Hoan chống trả quyết liệt. Tướng giặc Ngô là Đào Hoàng bị tiêu diệt, nhưng nhà Đông Ngô vẫn giữ quyền cai trị và quyết chia phần đất phía Nam huyện Hàm Hoan thành quận mới, gọi là quận Cửu Đức (vùng đất Hà Tĩnh ngày nay). Năm 523, nhà Lương cai trị đã xóa đơn vị hành chính cấp quận, mà nâng quận lên thành châu. Năm 598, nhà Tùy (năm khai Hoàng thứ 8), gọi vùng đất này là Hoan Châu. Danh xưng Hoan Châu có từ đó. Năm 618, nhà Tùy đổ, nhà Đường thay thế sang xâm lược nước ta. Năm 622, nhà Đường đổi quận Nhật Nam thành châu Nam Đức, nhưng đến năm 625 quay lại đổi châu Nam Đức thành châu Đức Nam. Đến năm 627, thời Trinh Quán lại đổi thành Hoan Châu và tên Hoan Châu lưu mãi đến những năm đầu của nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ (938), qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê.

Đầu thời đại nhà Lý, năm 1030, tên Hoan Châu được đổi thành Nghệ An châu trại. Danh xưng Nghệ An có từ đó.

Và, đến năm “Bính Tý, niên hiệu Thông Thụy năm thứ 3 (1036). Mùa Hạ, tháng 4, đặt hành dinh ở Châu Hoan, nhân đó đổi tên châu ấy là Nghệ An” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sau một thời gian, năm 1101, Lý Nhân Tông chia cả nước thành 24 lộ (ngoài ra còn có các châu), Nghệ An châu trại được đổi thành Phủ Nghệ An. Dưới thời nhà Trần, năm 1257 (Nguyên phong thứ 6), phủ Nghệ An được đổi thành Trại Nghệ An. Năm 1470 (năm Hồng Đức thứ nhất), định bản đồ Thừa Tuyên Nghệ An gồm 9 phủ, 27 huyện, hai châu. Năm Canh Tuất 1490, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21), cho định lại bản đồ cả nước gồm 13 (đạo) Thừa Tuyên. Thừa Tuyên Nghệ An, được đổi thành Xứ Nghệ An. Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hồng Thuận (1510 - 1516), đổi Xứ Nghệ An  thành Trấn Nghệ An. Năm 1831, dưới thời vua Minh Mệnh (năm thứ 12), Trấn Nghệ An được tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Năm 1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp thành tỉnh lớn Nghệ - Tĩnh. Đến năm 1991, tỉnh Nghệ - Tĩnh lại tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho đến ngày nay.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ trong đấu tranh kiên cường với thiên nhiên đầy khắc nghiệt và với nhiều kẻ thù xâm lược đã hình thành trong con người nơi đây những phẩm chất tốt đẹp. Nhân dân Nghệ An từ bao đời nay giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, văn hóa và cách mạng, dám xả thân vì nghĩa lớn, lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, hiếu học và học giỏi. Nghệ An là một trong những vùng quê ở nước ta, ở đó lòng yêu nước của Nhân dân sớm được hun đúc thành truyền thống yêu nước và được phát huy cao độ trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhớ lại! Khi quân Nguyên ồ ạt tấn công xâm lược nước ta, trước nguy cơ vận nước, quan quân nhà Trần chèo thuyền trên sông Hồng bàn việc đánh giặc Nguyên. Trước đông đảo tướng sĩ, vua Trần Nhân Tông dõng dạc hô đánh rồi đọc hai câu thơ được khắc trên mạn thuyền: “Cối Kê hai chữ người nên nhớ/Hoan Diễn còn kia mười vạn quân”. Và, đến thời cận đại, khi phong trào yêu nước Đông Du của cụ Phan Bội Châu bị thất bại, thì ngay sau đó xuất hiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc nuôi chí lớn vượt biển ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau Nguyễn Ái Quốc là cả một thế hệ Việt Nam yêu nước và cách mạng, anh hùng, tiêu biểu cho những người con Nghệ An, như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh...

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử có một không hai trong đời sống chính trị của dân tộc ta từ trước tới nay. Như một qui luật, có Đảng lãnh đạo, tinh thần yêu nước của Nhân dân ta, trong đó có Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An được khơi dậy, nó kết thành những làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả lũ bán nước, cướp nước. Từ Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930, đến Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Từ thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An vẫn chiến đấu kiên cường anh dũng hy sinh đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm, từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước ta.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, Nhân dân Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, kiên trì đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại ấy, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã dành nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói:“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Từ sâu xa trong lịch sử, Nghệ An luôn luôn chiếm vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, thực sự là phên dậu của nước nhà, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, xứng đáng được suy tôn là vùng địa linh nhân kiệt hàng đầu của nước Việt Nam. Đúng như Phan Huy Chú đã từng viết trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, năm 1819, rằng: “Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuận hòa chăm học, sản vật thì nhiều thức quí của lạ, được khí tốt nên sinh ra nhiều bậc danh hiền. Lại còn khoảng đất liền với người Man, người Lào làm giới hạn cho hai miền Nam Bắc, thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước, là then chốt của các triều đại”

Nghệ An ngày nay là một trong 63 tỉnh, thành của nước Việt Nam, nằm ở vùng Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa. Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh. Phía Tây giáp với 3 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới dài 419,5 km, có nhiều đồi núi, thung lũng, hệ thống sông suối. Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài hơn 82 km. Nghệ An là tỉnh có diện tích hơn 16.487km2 lớn nhất của nước ta và dân số hơn 3,3 triệu người, có thành phố Vinh loại I và 3 thị xã, trong đó có thị xã biển Cửa Lò nổi tiếng; cách Hà Nội về phía Bắc 300km, cách thành phố Hồ Chí Minh về phía Nam 1.400km; hệ thống giao thông thuận lợi, hai cảng quốc tế là sân bay Vinh và Cảng biển Cửa Lò, có hệ thống đường sắt, đường bộ xuyên Việt, xuyên châu lục, là tỉnh giàu tiềm năng về tự nhiên, văn hóa, xã hội đang từng ngày phát triển theo tinh thần Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2468/QĐ - TTg. Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An ra sức đoàn kết, quyết tâm phấn đấu sớm đưa Nghệ An phát triển thành tỉnh khá trong cả nước và thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.

Những thành tựu nổi bật của Nghệ An sau hơn 35 năm đổi mới vừa qua, khẳng định  đúng đắn sự kế thừa và phát huy những giá trị nội lực của quê hương được hình thành trong tiến trình lịch sử 990 năm qua, khẳng định thế và lực của Nghệ An trong quá trình phát triển. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển mạnh (thu hút đầu tư xếp 25/63 tỉnh thành); thu nhập đầu người hơn 43,08 triệu đồng người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, hộ nghèo ngày càng giảm (còn 4%); Quốc phòng, an ninh được giữ vững; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được tăng cường; Hoạt động đối ngoại nhất là thu hút đầu tư được mở rộng, đạt hiệu quả... Lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng tăng.

Phát huy những tiềm năng lợi thế về tự nhiên, các yếu tố địa, chính trị và những giá trị to lớn của truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của Nghệ An - Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thời đại” và nhiều lãnh tụ xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An quyết tâm chuyển toàn bộ những giá trị to lớn đó thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự nghiêp đổi mới xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh giàu đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1,2,3 - Ngô Sỹ Liên
Khâm định Việt Nam Thông giám cương mục - Quốc sử quán triều Nguyễn soạn
Đại Nam Nhất Thống Chí - Quốc sử quán triều Nguyễn soạn
Lịch sử cổ đại - Đào Duy Anh
Lịch triều Hiến chương loại chí - Phan Huy Chú
Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng
Việt Điện U linh - Lý Tế Xuyên
Lĩnh Nam chích quái – Vũ Quỳnh, Kiều Phú
Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh - Nguyễn Đổng Chi
Địa chí làng văn hóa Nghệ An - Sở VH - TT Nghệ An, 2003
Tạp chí VHNA, số 92, 2007
Tạp chí Xứ Nghệ xưa và nay - NXBNA, 2013
Từ điển mở Wikipedia tiếng việt
Các tài liệu của Bảo tàng tổng hợp Nghệ An cung cấp
Các tài liệu Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh NA qua các nhiệm kỳ
Du lịch Nghệ An - Hành trình theo chân Bác Hồ - Bùi Đình Sâm