140d6225103t69445l0-1632653495.jpg

Giá đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra thấp, tiêu thụ khó là áp lực mà người chăn nuôi Hà Tĩnh đang đối mặt.

Giá đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra thấp là áp lực mà người chăn nuôi Hà Tĩnh đang phải đối mặt. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn nhiều.

Gia đình ông Phạm Bá Quỳnh (thôn Nam Văn, xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) đang nuôi hơn 30 con bò thịt, trong đó nhiều con đã đến kỳ xuất bán nhưng ngặt nỗi thời điểm này ông chưa tìm ra thương lái thu mua.

Ông Quỳnh cho hay: “Tháng 9/2020, tôi vay ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Cẩm Xuyên (thuộc Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II) 800 triệu đồng đầu tư nuôi bò thịt. Hiện nay đã đến kỳ hạn trả nợ năm đầu tiên (100 triệu đồng) song nếu không bán được bò thì tôi chưa biết lấy nguồn nào để trả nợ”.

Với khách hàng Phạm Bá Quỳnh, ngân hàng đã giảm 10% lãi suất cho vay từ 15/7/2021 để hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hiện nay, trước khó khăn về nguồn trả nợ, ngân hàng sẽ xem xét đề nghị của khách hàng để có thể tiến hành gia hạn nợ, tạo điều kiện cho ông Quỳnh chưa phải trả tiền gốc mà chỉ trả tiền lãi để giảm bớt gánh nặng.

140d6224324t75896l0-1632653571.jpg

Agribank chi nhánh huyện Cẩm Xuyên tạo điều kiện cấp vốn kịp thời cho người dân đầu tư hạ tầng chăn nuôi.

Thời điểm này, không chỉ đồng hành “gỡ khó” mà Agribank chi nhánh huyện Cẩm Xuyên còn tạo điều kiện cấp vốn kịp thời cho người dân để đầu tư hạ tầng chăn nuôi.

Bà Trần Thị Phi (thôn 6, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) phấn khởi: “Năm 2019, gia đình quyết định chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp sau thất bại nặng nề do dịch tai xanh. Giai đoạn khó khăn nhất, rất may chúng tôi đã có sự hỗ trợ cấp vốn kịp thời của Agribank chi nhánh huyện Cẩm Xuyên. Gần đây nhất, tháng 7/2021, gia đình được giải ngân thêm 600 triệu đồng để xây 2 chuồng nuôi quy mô 1.600 con lợn/lứa, nâng tổng dư nợ đến thời điểm này từ Agribank là 1,6 tỷ đồng. Chúng tôi đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi, lại còn được ngân hàng giảm 10% lãi suất cho đến cuối năm nay”.

140d6224359t31692l0-1632653676.jpg

Cán bộ Agribank Cẩm Xuyên kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của gia đình bà Trần Thị Phi (xã Cẩm Hưng).

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Dư nợ chăn nuôi của toàn chi nhánh hiện đạt 2.805 tỷ đồng (chiếm khoảng 30% tổng dư nợ) với 24.189 khách hàng. Trong đó, những chi nhánh có dư nợ lĩnh vực này lớn như: Cẩm Xuyên trên 816 tỷ đồng, huyện Kỳ Anh trên 714 tỷ đồng, Hương Khê trên 471 tỷ đồng… Để tiếp tục đồng hành với người chăn nuôi, chi nhánh đã giảm 10% lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng có dư nợ tại thời điểm 15/07/2021".

Với sứ mệnh “đồng hành cùng tam nông”, thời gian qua, Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động tiếp vốn cho nông dân đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế. Dư nợ cho vay chăn nuôi của Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh hiện lớn nhất so với các ngân hàng thương mại trên toàn tỉnh với gần 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong mọi thời điểm khó khăn, Agribank chi nhánh Hà Tĩnh đã có các giải pháp hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và giảm đồng loạt 10% lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng có dư nợ tại thời điểm 15/07/2021; đồng thời đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi.

140d6225217t27895l0-1632653732.jpg

Các chính sách hỗ trợ của ngân hàng giai đoạn hiện nay giúp người chăn nuôi giảm áp lực về kinh tế.

Bà Chu Thị Hồng Hà – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn) – khách hàng tại Agribank chi nhánh huyện Hương Sơn (thuộc Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng đó, Agribank chi nhánh huyện Hương Sơn đã kịp thời giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ, ngoài ra đã hỗ trợ cho vay mới 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 4,5%/năm. Số vốn này đã giúp chúng tôi đầu tư trang trại, mở rộng quy mô nuôi hươu, phát triển kinh tế doanh nghiệp”.

Ngoài “ông lớn” Agribank, các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn cũng đã dần “lái” nguồn vốn vào lĩnh vực chăn nuôi với những động thái hỗ trợ nhất định.

140d6225156t94643l0-1632653781.jpg

Agribank chi nhánh huyện Hương Sơn đã tiếp vốn để Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà mở rộng quy mô nuôi hươu (Ảnh minh họa).

Tại Vietcombank Hà Tĩnh, dư nợ chăn nuôi hiện đạt trên 120 tỷ đồng. Điều đáng nói là trước đây, khi người chăn nuôi thiệt hại nặng nề do dịch bệnh đàn vật nuôi, giá cả “xuống dốc” hay trong thời điểm hiện tại khi việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá thấp do dịch COVID-19, cộng thêm chi phí sản xuất bị đẩy lên cao thì Vietcombank Hà Tĩnh vẫn luôn hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn đủ, kịp thời để khách hàng không bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất.

Ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài linh hoạt trong thủ tục vay vốn, giải ngân nhanh chóng, đơn vị đã hỗ trợ người chăn nuôi bằng các gói vay có lãi suất thấp hơn so với các ngành nghề khác (chỉ từ 5,5%- 7%/năm tùy theo đối tượng, thời hạn vay). Đồng thời, Vietcombank chủ động cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho khách hàng khi gặp khó khăn”.

140d6225228t12812l0-1632653850.jpg

Vietcombank Hà Tĩnh đã "bơm" vốn kịp thời để Công ty CP Chăn nuôi Mitraco duy trì ổn định chuỗi sản xuất, kinh doanh (ảnh tư liệu).

Vietcombank Hà Tĩnh không chỉ hỗ trợ chăn nuôi quy mô nông hộ mà còn ưu tiên đồng hành đối với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco là khách hàng truyền thống của Vietcombank Hà Tĩnh. Nhờ nguồn vốn của Vietcombank, doanh nghiệp đã vực dậy tình hình sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn “khủng hoảng” do giá lợn hơi rớt thảm giai đoạn 2017 - 2018. Hiện nay, công ty này cũng đang được Vietcombank “bơm” hàng chục tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tạo động lực duy trì ổn định chuỗi sản xuất, kinh doanh trước tác động xấu của đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh giá thức ăn, thuốc thú y liên tục “leo thang” trong khi giá lợn hơi giảm sâu./.