htinh-1-1636428297.jpg
Chiều 30/9, tại Sân bay Vinh (Nghệ An) lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, Công an tỉnh đã đón 205 phụ nữ đang mang thai và trẻ em từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch COVID-19. 

Hình ảnh từng đoàn người trở về quê tránh dịch COVID -19 trên những chiếc xe máy cũ, phía sau là vợ, là con thơ, là chất chồng hành lý mang theo; là giấc ngủ vật vờ bên lề đường sau hàng giờ rong ruổi trên những cung đường; là bước chân rệu rã, vì chặng đường về quê xa quá… đã trở thành nỗi ám ảnh và thương xót cho biết bao người khi chứng kiến. Để rồi lại thấy ấm lòng khi bà con nhận được tình cảm, sự sẻ chia, hỗ trợ từ người dân, doanh nghiệp, các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền…trên những chặng đường bà con đi qua. Trong bối cảnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều quyết sách, chủ trương có ý nghĩa để đón bà con về với quê hương khi bà con gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Khi tỉnh Hà Tĩnh phát động quyên góp Quỹ phòng chống COVID-19 thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Khi tiếp nhận thông tin trên báo chí, mạng xã hội và đặc biệt là qua hệ thống truyền thanh cơ sở - qua những chiếc “loa phường”, ngoài những gia đình, những doanh nghiệp có điều kiện về kinh tế, rất nhiều người dân dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chung tay đóng góp. Những em bé đập hũ tiết kiệm, những cụ già tặng phần lương hưu, những cán bộ, công nhân viên đóng góp ngày lương…. ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 trở thành hình ảnh quen thuộc và rất đỗi thân thương.

Ngoài ra, khi miền Nam thực hiện giãn cách phòng chống dịch, khó khăn về lương thực, thực phẩm, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đã quyên góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm tổ chức đưa vào miền Nam thân yêu. Có những gia đình ủng hộ nguyên giàn bí, có những cụ già đạp xe chở vài buồng chuối, hay những thứ mà Nhân dân Hà Tĩnh vốn hay nhận trong những trận lũ lụt như mỳ tôm, lương khô cũng được góp lại chuyển vào miền Nam. Chưa kể, những thực phẩm rất đặc sắc trong bữa ăn của từng vùng miền cũng được Nhân dân Hà Tĩnh gói gém gửi vào miền Nam như cá khô, tép khô, cà muối, kiệu muối… Những hình ảnh xúc động đó được chính các kênh của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh; Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài tỉnh bạn, báo chí và cộng đồng mạng phản ánh như một minh chứng cho tình đoàn kết keo sơn, gắn bó, yêu thương nhau trong khó khăn, hoạn nạn.

Trong khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh, để “giải cứu” công dân của tỉnh đang mắc kẹt tại miền Nam, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên có quyết định táo bạo là đưa công dân trở về tỉnh nhà bằng tàu hoả. Ngoài vấn đề kinh tế, điều tất cả các tỉnh lo lắng nhất là khi đưa công dân ở các tỉnh miền Nam về chắc chắn sẽ mang theo dịch bệnh. Rồi liệu tỉnh nhà có an toàn không, có kiểm soát được không? Cơ sở vật chất, thiết bị y tế có đủ để chữa trị cho người bệnh không nếu số ca nhiễm tăng cao… Hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi và khó khăn đặt ra nhưng Hà Tĩnh vẫn quyết. Và “chuyến tàu yêu thương”, “chuyến tàu quê hương” mang tên SE14 cập ga Gia Phố, Hương Khê và ga Yên Trung, Đức Thọ trong niềm vui vỡ òa, xúc động. 814 công dân trở về được 13 huyện, thành phố, thị xã tổ chức đón tiếp, cách ly chu đáo, tận tình. Nhiều công dân Hà Tĩnh được trở về đã gọi chuyến tàu ấy là chuyến tàu của tình yêu thương!

Hà Tĩnh cũng đã chi 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho công dân của tỉnh gặp khó khăn trong đại dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Số tiền này, thông qua Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đã chuyển đến những công dân đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh cùng các tổ chức đã huy động xã hội hoá nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ cho người dân. Tính đến cuối tháng 9/2021, Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đã chuyển, trao tiền hỗ trợ cho 6.551 công dân và gia đình khó khăn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với số tiền 6,7 tỷ đồng.

Khi các công dân về trên tàu SE14 đã ổn, Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức các chuyến bay vận chuyển công dân từ tâm dịch trở về. Những chuyến bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, hạ cánh tại sân bay Vinh, Nghệ An rồi những chuyến xe được Cảnh sát dẫn đường đưa công dân về cách ly làm ấm lòng người dân Hà Tĩnh. Theo đó, từ ngày 6 - 08/8/2021, 1.013 công dân Hà Tĩnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được tỉnh Hà Tĩnh đón về quê đợt này trên 5 chuyến bay. Đây là những người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi, đối tượng khuyết tật; người lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày; công dân vào thăm thân nhân, giải quyết công việc bị kẹt lại tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tiếp đó ngày 10/10/2021, đã có thêm 2 chuyến bay chở 343 phụ nữ mang bầu và trẻ em từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Vinh. Đối với những “hành khách đặc biệt” này, tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ càng về công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ để không có bất cứ một sơ suất nào xảy ra.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo và các địa phương khảo sát số lượng học sinh đang mắc kẹt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo đó, ngành Giáo dục-Đào tạo đã phối hợp các địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh thống kê toàn tỉnh hiện có 1.671 học sinh còn mắc kẹt ở các tỉnh, thành trên cả nước chưa thể về quê học tập. Trong đó, có 462 học sinh THPT tại 38 trường THPT; 1.209 học sinh từ bậc tiểu học đến THCS thuộc địa bàn 13 huyện, thành, thị; nhiều nhất là các địa phương: Can Lộc 249 em; Lộc Hà 215 em; Hương Khê 244 em…Đến nay do cơ bản tình hình dịch bệnh trong cả nước đã được kiểm soát nên tỉnh ta đã chỉ đạo linh hoạt hơn trong việc đưa học sinh đang mắc kẹt tại các địa phương trở về. Theo đó, cho phép các huyện, thành phố, thị xã phối hợp Hội đồng hương có giải pháp đưa các em trở về để cách ly. Và đến nay, một số huyện đã bắt đầu đưa các em học sinh trở về.

Những ngày qua, sau khi các tỉnh nới lỏng phòng chống dịch, lưu lượng công dân từ miền Nam ở các tỉnh trở về quê nhà rất nhiều. Trên tuyến Quốc lộ 1A và đường tránh đoạn qua Hà Tĩnh gần như 24/24h đều có công dân các tỉnh trở về đi qua. Lúc thì đoàn đông, lúc thì tốp nhỏ, có khi chỉ một hai xe đơn lẻ.... Và, một lần nữa tấm lòng người dân Hà Tĩnh lại được thể hiện. Gần như trên tất cả các huyện đều có điểm tiếp sức cho công dân đi qua Hà Tĩnh. Nhân dân Hà Tĩnh người góp tiền, người góp sữa, nước, hoa quả, xăng… để hỗ trợ bà con đi qua. Hà Tĩnh là vậy đó, tấm chân tình, sẻ chia, tinh thần “tương thân tương ái” luôn được đề cao, nhất là trong khó khăn, gian khổ

Thời gian sắp tới, với quan điểm sẽ không thể “zero COVID”, khi lượng vắc xin được tiêm ngày càng nhiều, tình hình dịch bệnh trong cả nước sẽ cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã, đang và sẽ có những chỉ đạo mới về công tác phòng chống dịch. Đất nước ta sẽ bước sang giai đoạn mới, “bình thường mới” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội… Nhiều hoạt động sẽ được nới lỏng… Và người ta sẽ luôn nhớ đến đã có một Hà Tĩnh với một tinh thần chống dịch rất quyết liệt, nhưng cũng có những quyết sách, những việc làm đầy tính nhân văn cho con em quê hương trong gian khó, bộn bề. Hà Tĩnh luôn thế - bao đời “qua nắng lửa mưa giông - nên nhân nghĩa lắng lại hồn non sông”. Câu hát đó lại ngân lên da diết trong lòng bao người con Hà Tĩnh tự bao đời./.