"Xẩy chân" vì hay "đấu tranh"?

Vừa qua, ông Trần Văn Tú (SN 1976), trú tại thôn Mỹ Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có đơn khiếu nại về việc bị lãnh đạo địa phương định hướng, bỏ phiếu đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp một cách thiếu khách quan, công bằng, dẫn đến bị buộc thôi việc.

5-1638323455.jpg
UBND xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà

Theo đó năm 1999, sau khi được kết nạp Đảng trong quân đội rồi xuất ngũ trở về địa phương, ông Trần Văn Tú được Thường trực Đảng ủy xã Phù Lưu (huyện Lộc Hà) giao nhiệm vụ giữ chức Phó Chỉ huy Quân sự xã, kiêm công tác thông tin tuyên truyền.

Đến năm 2004, Sở Nội vụ Hà Tĩnh có Quyết định điều động ông Tú đi học lớp Xã đội trưởng khóa 1 (thời gian 14 tháng). Sau nhiều lớp học, tập huấn, cuối năm 2011, UBND huyện Lộc Hà ký Quyết định tuyển dụng công chức cấp xã đối với Trần Văn Tú, trình độ chuyên môn Trung cấp quân sự cơ sở, vào biên chế UBND xã Phù Lưu, chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự.

“Trong suốt 22 năm giữ chức vụ Phó rồi Chỉ huy trưởng Quân sự xã, bản thân tôi luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của ngành quân sự.

Trong thời gian công tác, tôi chưa từng bị lập biên bản vi phạm kỷ luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Chính quyền địa phương cũng như Ban chỉ huy Quân sự huyện không có thông báo gì liên quan đến việc tôi vi phạm khuyết điểm”, đơn viết.

Qua trao đổi, ông Tú cho biết, do hay đấu tranh vì lẽ phải và sự công bằng nên lãnh đạo địa phương đã định hướng bỏ phiếu cho ông Trần Văn Tú 2 năm liên tiếp (năm 2019 và 2020) không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, tháng 3/2021, trong cuộc họp tại UBND xã, đại diện Phòng Nội vụ huyện Lộc Hà thông tin ông Tú bị buộc thôi việc. Và đến tháng 7/2021 thì bị cắt lương mà không có bất kỳ văn bản thông báo hay quyết định nào cả.

Trong khi đó, năm 2019 và 2020, ông Trần Văn Tú đều được Thượng tá Nguyễn Hồng Phong Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 tặng giấy khen về thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên.

Bị loại do vi phạm kỷ luật?

Có thông tin cho rằng, năm 2020, thực hiện Kết luận 71 của Ban Bí thư, Hà Tĩnh tiến hành rà soát sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Ông Tú là một trong những người thuộc diện phải thi lại, tuy nhiên do 2 năm liên tiếp "không hoàn thành nhiệm vụ" nên không đủ điều kiện để dự thi.

Vì thế, ngày 8/6/2021, UBND huyện Lộc Hà đã ban hành Quyết định số 3480/QĐ-UBND về việc thu hồi quyết định tuyển dụng đối với ông Trần Văn Tú, chứ không phải bị kỷ luật buộc thôi việc.

4-1638323817.jpg
Ông Trần Văn Tú đã hoàn thành rất nhiều lớp học, tập huấn...

Vấn đề 2 năm liền ông Tú không hoàn thành nhiệm vụ được cho là do thường xuyên có dấu hiệu khai báo xin nghỉ không trung thực... Tuy nhiên, qua sổ theo dõi chấm công trong năm 2019, ông Trần Văn Tú nghỉ tổng số 15 ngày; năm 2020 nghỉ 10,5 ngày, cả 2 năm đều xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Đáng chú ý, một nguồn tin cho biết, cũng trong năm 2020, mặc dù ông P.V.Q (BT ĐTN) nghỉ đến 18,5 ngày nhưng lại được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Được biết, theo trích sao biên bản họp đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức của địa phương, phần khuyết điểm năm 2019 của ông Trần Văn Tú có ghi: “Cần phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình; công tác tham mưu chưa kịp thời; tác phong làm việc chậm, sự đổi mới không có; sự phối hợp còn nhiều hạn chế, chấp hành chưa nghiêm túc nội quy công sở, một số nhiệm vụ được giao chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Công tác quản lý lực lượng dân quan chưa tốt”.

Còn năm 2020 lại nhận xét: “Cần phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình; công tác tham mưu chưa kịp thời; tác phong làm việc chậm, sự đổi mới không có; sự phối hợp còn nhiều hạn chế”. Nếu đánh giá mang tính chung chung thế này thì có thể những cán bộ khác ở xã Phù Lưu cũng có thể mắc phải.

Đơn cử, nhận xét về khuyết điểm của ông P.K.L, Phó Bí thơ ĐU xã năm 2019 như: “Công tác chỉ đạo, nhất là công tác tổ chức còn sơ suất, thiếu kiên quyết. Cần bám chắc điều lệ trong thực hiện nhiệm vụ và thể hiện ý kiến, quan điểm riêng trong lãnh đạo, công việc”.

Với những đánh giá, nhận xét "không đầu - không cuối" về những tồn tại trong 2 năm 2019 và 2020 đối với ông Tú như: còn hạn chế, chưa sâu sát, chưa kịp thời, sự đổi mới không có... dẫn đến việc không đạt điều kiện để dự thi (nếu có) khiến ông Tú bức xúc "không phục" phải cầu cứu truyền thông.

Qua sự việc trên, dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi về lý do thực sự dẫn đến việc ông Tú không đạt điều kiện dự thi rồi sau đó bị buộc thôi việc có phải là do không hoàn thành nhiệm vụ, hay là có "lỗ hổng" nào trong công tác tuyển dụng trước đó? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?