chotruyenthong1-1632440555.jpg
Các chợ truyền thống muốn mở cửa trở lại cần đạt các tiêu chí an toàn về phòng dịch. 

Theo đó, tiêu chí thứ nhất là khách hàng, người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có "thẻ xanh COVID-19". Nhân viên đơn vị quản lý thuộc khối văn phòng không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tối thiểu phải có "thẻ xanh COVID-19 giới hạn phạm vi hoạt động" - tức là người đã tiêm 1 mũi vaccine.

Tiêu chí thứ 2 là các chợ phải đảm bảo kiểm soát mật độ tối thiểu là 4m2/người tại địa điểm kinh doanh (trừ chợ không có nhà lồng); giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận... Đặc biệt chợ phải có sơ đồ bố trí lối ra vào riêng biệt và tổ chức kẻ vạch hướng dẫn.

Tiêu chí thứ 3 là các chợ phải tổ chức sàng lọc như khai báo y tế điện tử, điều kiện "Thẻ xanh COVID-19", "thẻ xanh COVID-19 giới hạn phạm vi hoạt động", đeo khẩu trang, sát khuẩn và tổ chức kiểm tra, giám sát, nhắc nhở đeo khẩu trang, đảm bảo quy định giãn cách... Không được bố trí làm việc đối với nhân viên đơn vị quản lý chợ và nhắc nhở khách hàng, thương nhân không vào chợ khi có ít nhất một triệu chứng mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở...

Tiêu chí thứ 4 là các trang thiết bị, vật tư y tế như máy đo thân nhiệt, phun xịt dung dịch khử khuẩn, trang bị quét mã QR, thiết bị nhận dạng "thẻ xanh COVID-19" phải được bố trí ở lối ra vào chợ. Đối với các vật tư y tế như dung dịch khử khuẩn, trang bị bồn rửa tay, xà phòng... cho nhân viên, thương nhân, người lao động và khách hàng tại các lối ra vào, khu vực ngành hàng và các khu vực khác...

Tiêu chí thứ 5 là các chợ phải đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các khu vực như: Khử khuẩn nền nhà lồng chợ, lối đi, khu vực công cộng ít nhất 1 lần/ngày... Việc thu gom rác và đưa đi xử lý phải đúng nơi quy định. Nhân viên thu gom chất thải sử dụng khẩu trang, kính che giọt bắn, găng tay y tế; khử khuẩn nhà chứa rác và lối vận chuyển tối thiểu 1 lần/ngày.

Tiêu chí thứ 6 là Ban quản lý chợ phải phát loa nhắc nhở khách hàng, nhân viên thường xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch ít nhất 2 giờ/lần hoặc các biện pháp thay thế như đặt biển cảnh báo, bảng thông tin...

Tiêu chí thứ 7 là phải có kế hoạch hoặc phương án phòng, chống dịch tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, có phương án xử lý khi đơn vị có ca nghĩ mắc và mắc COVID-19; phương án đóng, mở cửa hoạt động trở lại sau khi khắc phục các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch; có kế hoạch tổ chức xét nghiệm, tầm soát COVID-19 cho nhân viên, người lao động.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, các đơn vị, ban ngành cần căn cứ vào thực tế triển khai và kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương. Các đơn vị phải tự đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, thông báo với các cơ quan có chức năng để tổ chức hậu kiểm.

Đối với phương pháp đánh giá, các đơn vị đạt 7 tiêu chí trên theo quy định thì được phép hoạt động. Các đơn vị không đạt các tiêu chí theo quy định thì không được phép hoạt động và phải có biện pháp khắc phục, tổ chức đánh giá lại.