Đã từ lâu, cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Là 1 trong 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thế nhưng cảng cá Lạch Vạn thường trong tình trạng nhếch nhác, nước thải sinh hoạt xử lý không kỹ cùng với rác thải tạo nên những vũng nước đen kịt, bốc mùi hôi tanh khiến nơi đây trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân sống lân cận.
 
Ô nhiễm dai dẳng
 
Lạch Vạn là cảng cá lớn nhất huyện Diễn Châu, một trong những cảng cá tấp nập nhất của tỉnh Nghệ An, nơi neo đậu của hơn 400 tàu thuyền xã Diễn Ngọc và hàng trăm tàu cá của các địa phương lân cận. Cảng cá Lạch Vạn được xây dựng vào năm 2000 và mở rộng vào năm 2005. Đây là điểm trung chuyển thiết yếu các loại thủy, hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực. Thế nhưng, nhiều năm nay, cảng cá đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là thời điểm tàu thuyền về bến.
 
Theo quan sát, suốt chiều dài của bờ lạch, rác thải ngổn ngang, nước đen kịt, sặc sụa mùi thôi thối, ruồi nhặng bu bám khắp nơi. Mỗi khi có gió thổi, mùi xú uế bốc lên. Tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm này đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến người dân vô cùng bức xúc.


 
Dòng nước tại cảng đen ngòm, hôi thối khiến ai cũng phải “rùng mình”.
 
Việc ô nhiễm nguồn nước ở khu vực này đã đe dọa trực tiếp đến môi trường sống không chỉ cho người dân mà còn ảnh hưởng tới sinh vật biển. Theo người dân thì nhiều năm trở lại đây một số sinh vật như tôm, cua, cá ở khu vực này giảm hẳn. Đặc biệt các loại ốc, sò sống vô cùng hiếm do rác thải phủ đầy bề mặt.
 
Người dân địa phương cũng cho biết, sở dĩ dòng nước có màu như vậy là do các cơ sở chế biến hải sản, nước mắm thải ra; còn mùi hôi thối bốc lên nồng nặc xuất phát từ các nhà máy xay bột cá.


 
Rác thải, nước rỉ từ hải sản tuồn thẳng xuống dòng sông gây ô nhiễm.
 
Được biết, mỗi tàu thuyền cập cảng đều phải đóng phí 20.000 đồng/lần, trong đó đã bao gồm phí xử lý môi trường tuy nhiên tình trạng ô nhiễm tại cảng cá này vẫn là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe người dân.
 
Nan giải bài toán xử lý
 
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, thừa nhận việc người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường ở khu vực Cảng cá Lạch Vạn là hoàn toàn chính xác. Ông Hòa cũng khẳng định, thực trạng đó đã diễn ra trong nhiều năm nay.
 
“Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng tại cảng cá Lạch Vạn là do công tác quản lý chưa thực sự tốt, ý thức người dân còn kém. Đặc biệt là mỗi lần tàu thuyền cập bến. Lúc này, công tác phân loại, chế biển hải sản diễn ra ngay tại cảng khiến tất cả nước thải, rác thải từ hoạt động này tuồn thẳng xuống dòng sông gây ô nhiễm. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị BQL cảng cá thu gom rác nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra thường xuyên”. ông Hòa cho biết thêm.


 
Rác thải tại cống thoát nước
 
Theo tìm hiểu của PV, huyện Diễn Châu có khoảng 1.400 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó phần lớn là tàu công suất dưới 90 CV, do thuyền nhỏ, nên hải sản đánh bắt được kinh tế không cao. Riêng ở cảng cá Lạch Vạn, mỗi ngày có trên dưới 100 tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân ra vào. Sản lượng đánh bắt được khoảng 5-7 tấn cá, tôm các loại, ước tính hàng chục triệu đồng. Do đây là nghề chính của người dân nên hầu như nhà nào cũng có người ra biển, cùng với đó là lực lượng thu mua, bốc xếp vận chuyển. Hàng ngày, cảng có tới 600 - 700 người ra vào thu mua hải sản đi tiêu thụ.
 
Trưởng ban quản lý cảng Lạch Vạn - ông Ngô Xuân Thủy cho biết: “Đối với khu vực cảng chính, BQL hợp đồng với UBND xã Diễn Ngọc thu dọn rác thải, đồng thời cắt cử lực lượng làm vệ sinh hàng ngày. Đối với khu vực 2 bên cánh gà và mép cảng, do rác thải từ sông Bùng đổ về hàng ngày quá lớn dẫn tới tình trạng bị quá tải mặc dù chúng tôi có thu gom nhưng vẫn không xuể”.
 
Thiết nghĩ, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu đầu mối là rất quan trọng, do đó vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực cảng cá Lạch Vạn rất cần được giải quyết sớm, để mang lại sự an tâm trong cuộc sống cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân.