bna-image-3011555-16102021-1634346476.jpg
Các đồng chí: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao phần thưởng cho chị Bùi Thị Hiền Lương với Dự án "Nâng cao giá trị của con cá trích – Hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương". Ảnh: Vương Giang

Đây là 2 trong tổng số 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc được vinh danh năm 2021 với tổng giá trị giải thưởng gần 2,5 tỷ đồng và nhiều phần thưởng có giá trị khác.

Chính thức phát động từ tháng 2/2021, Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu OCOP”. Dự thi lần này, Nghệ An có 23 trên tổng số 1.549 dự án, ý tưởng tham dự, trong đó có 3 dự án, ý tưởng được lọt vào cấp vùng và 2 dự án được lọt vào vòng chung kết và nhận giải thưởng dự án tiêu biểu năm 2021.

Năm nay, các dự án, ý tưởng thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp - chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất 54%, tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ 20%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 11%, công nghệ (sinh học, môi trường) chiếm 2%, các lĩnh vực khác chiếm 13%.

Trong đó, Dự án “Nâng cao giá trị của con cá trích - Hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương” do chị Bùi Thị Hiền Lương - đại diện cho Công ty Biển Quỳnh (thị xã Hoàng Mai) tham dự. Với mong muốn tạo nên một sản phẩm mang hương vị của quê hương, đưa sản phẩm “Chả cá trích” giàu chất dinh dưỡng đến từng bữa ăn của mỗi gia đình.

bna-image-3737668-16102021-1634346496.jpg
Các đồng chí: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao phần thưởng cho chị Nguyễn Thị Dung với Dự án “Sản xuất và chế biến đậu phụ trên công nghệ dây chuyền hiện đại”. Ảnh: Vương Giang

Cá trích có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất tốt cho bà bầu và trẻ em, tuy nhiên, loài cá này lại có nhiều xương nên giá trị kinh tế chưa cao và đối tượng sử dụng bị hạn chế, nhất là trẻ em. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, vì vậy, Công ty Cổ phần Biển Quỳnh đã đầu tư bóc tách loại bỏ hoàn toàn xương và tạo ra sản phẩm “Chả cá trích” tiếp cận mọi đối tượng sử dụng với tiêu chí: Dinh dưỡng -Tiện lợi - An toàn - Giá thành hợp lý.

Đối với Dự án: “Sản xuất và chế biến đậu phụ trên công nghệ dây chuyền hiện đại” của chị Nguyễn Thị Dung (TP. Vinh), ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho lao động nữ yếu thế tại địa phương.

Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên được chọn lọc kỹ càng, không chứa chất bảo quản độc hại, đảm bảo được hương vị cổ truyền của món ăn. Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An cấp.

Qua cuộc thi có thể thấy sự đam mê, khát khao, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh doanh của phụ nữ, qua đó, khẳng định phong trào khởi nghiệp đã và đang phát huy nội lực, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nghệ An nói riêng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương./.